Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

DƯƠNG NỘI PHÚ


Dương nội, 
Nơi có người đi, về chưa biết. 
Mồ mả cha ông tiên tổ tan hoang,
Xe ủi đã nhiều
Tráng chí bốn phương niềm thương tha thiết.
Bên đường Lê Trọng Tấn chừ, tiêu điều,
Chốn ruộng nương thanh bình bỗng hóa bãi binhh đao.
Qua Hà đông,
Làng xóm giờ dân cảnh phiêu diêu,
Ruộng mất nhà tan, mồ mả thành đồ bán chác,
Dân chống chọi bấy năm chừ mất một chiều.
Tương lai chừ mờ mịt
Đồng xanh ngắt nay đỏ tía một màu.
Nước trời một sắc,
Phong cảnh ba thu.
Chuối tre san sát,
Giờ đìu hiu
Đất về tay lũ tham quan hoa màu nát bấy,
Nghĩa địa thôn khó nhặt xương khô.
Nhà nhà cảnh thảm….
Đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi chị Thêu, anh Khiêm, anh Miên, anh Sang…đâu vắng tá,
Thân dẫu bị cầm tù danh tiết còn lưu.
Bên đường, người người dừng chân thăm hỏi,
Có kẻ gậy tre chống trước,
Có người dạo bước đến sau.
Thưa rằng:
Đây là chiến địa giữa thời bình, đảng cướp đánh dân tĩ tã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở nào còn trồng cấy hò hát lao xao
Bỗng một hôm
Loa phường ầm vang cưỡng chế, đầu trâu muôn đội,
Lớp lớp áo xanh băng đỏ, xe hơi, dùi cui lao tới.
Hùng hổ chăng dây ngăn đường khai quân,
Thầy, lính lao xao tiếng loa lói chói.
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến luỹ lòng dân chống đối.
Uất hận dân mất đất, nát mồ tổ tiên ánh nhật nguyệt cũng mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi.
Kìa:
Lũ cướp thế cường,
Bọn đầu tư tung tiền làm chước dối.
Gieo tai ương chiếm cứ lần lần,
Cướp sạch đất đai ruộng vườn thu vào tay một mối.
Ôi,
Trời chẳng thương người,
Để quân hung đồ tham lam dùng tiền chỉ lối
Trận Dương nội, tan tác tro bay,
Côn đồ đeo quân hàm quân hiệu,
Nghênh ngang xe lớn xe to, tướng mạnh binh hùng,
Bỗng chốc đất cha ông, quê hương mất trụi.
Nước mắt chảy hoài,
Mà mối thù khôn rửa nổi.
Tuy nhiên:
Từ có vũ trụ,
Đã có giang san.
Đất có dân, dân cần có đất canh nông, tự do như hơi thở,
Đó mới là quốc kế dân an.
Bọn nào là bọn giúp tà ma, thằng Đồng thằng Thức,
Lại có lũ Tú béo GLE dự án Lê Trọng Tấn cầm đầu thuê binh mã.
Vung hầu bao tiền cướp đặng cho sai nha kéo đến hàng đàn.
Khi trận cưỡng chế mà đại thắng,
Đại vương của chúng đếm bạc an nhàn.
Tiếng dơ còn mãi,
Bia miệng không mòn.
Muôn dân chừ ủ mặt,
Thương người mất đất bị bắt cầm tù chừ lệ chứa chan.
Dương nội mầu xanh một dải dài ghê,
Trong cơn lốc đô thị hóa lũ cướp mặc nhiên kéo tới.
Những thằng bất nghĩa rồi sẽ tiêu vong,
Nghìn thu các chị các anh hy sinh giữ đất, danh rồi lưu muôn thuở
Đừng tưởng một trận mà xong,
Bất nghĩa, nghìn đời nguyền rủa.
Dân là nước, lật chúng có ngày.
Lời xưa hãy nhớ.

Mai Xuân Dũng.

25/4/2014 Cưỡng chế Dương nội.

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

ĐÀN ÔNG NÔNG NỔI GIẾNG THƠI ĐÀN BÀ SÂU SẮC NHƯ CƠI ĐỰNG TRẦU?

Hai thằng rủ nhau đến nhà bạn cũ thăm nó ốm. Nhà có đứa con gái 12 tuổi lễ phép và rất thông minh. Hỏi: Năm rồi cháu được học sinh giỏi không? 
"Thưa bác không ạ". 
Mẹ nó ngượng nghịu: "Con em tính nó ngang cành bứa các thày cô chả ưa được". Thằng bạn đi cùng bảo: "Phong bì đến thày cô chưa mà mong con xếp loại học sinh giỏi? Anh là cứ đồng tiền đi trước cái gì cũng êm"

Cô bạn nhìn nó với ánh mắt chế giễu không giấu được: "Anh nói đùa thì thôi chứ anh nói thật sẽ làm em buồn lắm. Khi việc hối lộ trở nên bình thường trong xã hội mà không ai thấy xấu hổ nữa có nghĩa là sự tử tế và ngay thẳng cũng không còn. Lúc đó em sẽ phải đi định cư ở nước khác mất".
......
Nghĩ bụng: Nó cứ bảo con bé nhà nó ngang cành bứa chứ con bé con giống tính mẹ nó chứ ai.
Tự nhiên thấy xấu hổ thay cho thằng bạn đi cùng
.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Canada có thật sự là “thiên đường y tế”?


Canada Health. Ảnh: Internet
Canada Health. Ảnh: InternetY tế Canada giúp toàn dân nhưng không giữ được chân tài năng trẻ.
Một bạn đọc là Đoàn Trân sống tại Buffalo, NY, cạnh Canada, weekend vẫn chạy qua Toronto chơi.  Thỉnh thoảng thấy xe cứu thương đưa người từ Toronto, Canada, qua chữa bệnh bên Mỹ, mà đa số là những người giàu tầm cỡ triệu phú.

Bạn đọc tự hỏi tại sao họ lại phải đưa qua Mỹ để chữa ? Vì trình độ hay phương tiện thua kém Mỹ? Hóa ra hệ thống y tế định hướng XHCN kiểu Canada có nhiều khiếm khuyết và cái đặc tính cào bằng ấy đã ngăn cản sự phát triển của ngành y tế quốc gia này. Thấy trao đổi trên HM Blog về y tế Mỹ – Canada, cái hay cái dở, quí bạn đọc đã gửi sưu tầm này. Cảm ơn quí anh/chị Đoàn Trân.
Bài viết của tác giả Thanh Võ/Viễn Đông trên VienDongDaily.Com – 11/07/2012 
Patient Protection and Affordable Care Act (Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền) viết tắt PPACA, hoặc ngắn gọn là ACA hoặc Obamacare – chơi chữ từ Obama và Care chăm sóc sức khỏe. Nói một cách nôm na, Obamacare giúp người nghèo mua được bảo hiểm y tế vì nước Mỹ hiện có 50 triệu người trong tổng số 315 triệu chưa có bảo hiểm y tế. (HM Blog có biên tập đôi chút về từ ngữ, và phân đoạn cho dễ đọc. Mong tòa soạn VienDongDaily và tác giả thông cảm).
ACA – Obamacare
Từ năm 2010 cho đến nay, cả nước Mỹ ồn ào xung quanh vấn đề bênh hay chống Obamacare.  Cuộc khảo sát của ABC News / Washington Post cho hay 36% công dân có ý kiến đồng thuận với luật cải tổ y tế bị kiện lên Tối cao Pháp viện (TCPV). Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện hành cũng chỉ được 39% chấp nhận. Tuy đa số không thấy hài lòng nhưng có đến 75% đánh giá phẩm chất chăm sóc sức khỏe hiện tại của họ là “tốt”. Vì thế, điều thách thức là làm sao thực hiện các giải pháp mà không khiến cho người dân cảm thấy sợ mất loại dịch vụ họ cho là tích cực.
ABC News và Washington Post nhận thấy 38% kịch liệt chống ACA (Obamacare), 52% không tán đồng và 12% không ý kiến. Trong số người đánh giá thấp hệ thống y tế hiện hành, chỉ có 35% chấp nhận ACA – với những người không bằng lòng hệ thống hiện hành, cũng chỉ có 32% ủng hộ ACA. Vào tháng 4-2012, 38% nghĩ rằng TCPV nên loại bỏ hoàn toàn ACA, 25% muốn giữ lại tất cả và 29% tin rằng nên giữ lại một phần.
Ngày 28-6-2012, Chánh án TCPV John Roberts, đã phán quyết: Đạo luật ACA không đi ngược lại Hiến pháp. Obamacare được xem là một trong những thắng lợi chính trị lớn lao nhất của TT Obama.
Mặc dù phải chờ cho tới ngày 1-1-2014, ACA mới bắt đầu có hiệu lực, nếu đủ khả năng tài chính, mỗi cá nhân phải mua bảo hiểm y tế hoặc tự mua hoặc thông qua người thuê việc.
Nếu ai không có bảo hiểm y tế sẽ bị phạt bằng biện pháp là tiền của họ bị rút ra từ những ngân khoản hoàn thuế (tax return).
Tuy nhiên nếu hỏi kỹ một công dân Mỹ, nhất là những người di dân, người gốc Việt, dường như rất nhiều người còn khá mù mờ về khái niệm cải tổ y tế Obamacare. Đặc biệt người cao tuổi hay bàn tán “Y tế Mỹ không bằng Canada”, rồi có người kết luận: “Obama đang bắt chước Canada”. Sự thật như thế nào?
Thuế và chăm sóc sức khỏe tại Canada
Thật ra thì từ lâu người dân Mỹ đã nghe nhiều về chế độ bảo hiểm y tế toàn dân tại Canada. Người thán phục, kẻ ước ao, nhưng cũng có không ít những nghi ngờ, thắc mắc: “Tiền đâu mà chính phủ Canada chi trả nổi?”. Tại sao như vậy thì ta nên hiểu hệ thống thuế.
Người dân Canada, cũng như dân Mỹ, đều phải trả thuế lợi tức cho 2 chính phủ: liên bang và tiểu bang. Thuế suất được tính tùy thuộc vào 4 nhóm lợi tức (income bracket).
Thuế liên bang: Nhóm lợi tức thấp nhất (dưới 37.885 Mỹ kim) thuế suất 15%, nhóm lợi tức cao nhất (trên 123.184 Mỹ kim) thuế suất 29%.
Thuế tiểu bang: thay đổi theo tiểu bang, nhưng cao nhất là 18% và thấp nhất là 10%.
Như thế, người dân Canada chịu mức thuế lợi tức tối đa là 47%. Nhưng đây là mức thuế cho nhóm dân có lợi tức cao nhất, sống tại tiểu bang đánh thuế cao nhất, chứ đa số dân Canada chỉ trả thuế suất khoảng 25%.
Hệ thống y tế của Canada là hệ thống y tế công cộng, toàn dân (universal public health care insurance) nghĩa là tất cả mọi người dân đều được bảo hiểm y tế, không tùy thuộc vào việc làm hay lợi tức.
Trên nguyên tắc, người dân phải đóng tiền bảo hiểm y tế hàng tháng. Nhưng nếu lợi tức sau khi trừ thuế (net income) của gia đình dưới 28.000 $CAN/năm thì được giảm và dưới 20.000/năm được miễn thuế. Lương trên 28.000$CAN, mỗi tháng đóng 54 $CAN/ cá nhân hay 96 $CAN/đôi vợ chồng, hay 108$CAN/gia đình (3 người trở lên).
Những người đi làm việc, tùy theo cơ quan hay công ty, có thể được chủ thuê trả cho phân nửa hoặc bao luôn tiền này. Như vậy, số tiền đóng bảo hiểm y tế hàng tháng quá thấp, chỉ có tính chất rất tượng trưng, nên nói y tế Canada miễn phí cũng không sai, và toàn bộ dân chúng Canada đều có bảo hiểm y tế: đi khám bệnh miễn phí, làm các xét nghiệm y khoa miễn phí, sinh đẻ miễn phí, chữa trị bệnh viện miễn phí, gần như cái gì liên quan đến y tế thì đều miễn phí.
Hệ thống bệnh viện Canada
Bác Sĩ P. N. V. Trang, hiện đang sinh sống tại miền Nam California nói với nhật báo Viễn Đông: “Mình từng là bác sĩ, sống cùng bố mẹ ở Vancouver, Canada. Sau đó mình lập gia đình với ông xã mình, anh Hưng, là bác sĩ hành nghề tại vùng Riverside và mình quyết định qua Hoa Kỳ định cư luôn. Có hai lý do khiến mình sang Mỹ.
Thứ nhất là tại Canada, mức lương bác sĩ bị hạn chế chứ không như tại Mỹ, mình lại thuộc vào thành phần lợi tức cao, nên phải đóng thuế ở mức tối đa, trong khi tại Mỹ thì mức thuế thấp hơn.
Thứ hai là khi đó mình còn trẻ, 30 tuổi nên sức khỏe tốt, đó là lý do mình không muốn trả thuế quá cao khi mình hầu như không bao giờ cần đến các dịch vụ y tế.
Xếp hàng vào viện. Ảnh vui internet
Xếp hàng vào viện. Ảnh vui internet
Vì thế, khi sang Mỹ, không lấy lại được bằng hành nghề bác sĩ (các bác sĩ từ các nước khác hầu như không thể lấyđược bằng tương đương để hành nghề vì các điều kiện khá gắt gao của Bộ Y Tế Hoa kỳ nhằm hạn chế số lượng bác sĩ từ nước ngoài), mình vẫn chấp nhận bỏ nghề và cho đến nay mình vẫn hài lòng với quyết định này. Từ đó đến nay mình làm thư ký tại phòng mạch của ông xã”.
Khi được hỏi về bảo hiểm y tế tại các bệnh viện Canada, cô Trang cho biết: “Trước kia, khi sống tại Vancouver, mình làm việc tại bệnh viện và còn có phòng mạch riêng, mình biết khá rõ về nền bảo hiểm y tế của Canada.
Người dân đất nước này, khi bệnh đi gặp bác sĩ để được khám bệnh miễn phí. Còn nếu bệnh nặng phải vào nhà thương, những người dân thường chỉ hơn người ăn welfare (tiền trợ cấp xã hội) ở chỗ là họ có thể được nằm một phòng riêng, còn những ai ăn welfare phải nằm chung phòng với vài người khác, nhưng chữa trị và thuốc thang như nhau.
Ngay cả người homeless (không nhà cửa) cũng có thể nằm cùng bệnh viện với một triệu phú, hay thậm chí với vị Thủ Tướng vì Canada không có bệnh viện tư và không có bệnh viện riêng dành cho các quan chức. Một khi đã vào bệnh viện, không người dân nào trả một đồng xu. Đây là điểm mà người dân Canada thường tự hào về phương diện y tế”.
Khi được yêu cầu so sánh về chất lượng phục vụ giữa các bệnh viện tại Canada và Mỹ, cô Trang cười: “Thế nếu như bạn phải trả 10 ngàn, thậm chí hai, ba chục ngàn đô la để được ở tại khách sạn 5 sao, và được cho ở free trong một khách sạn 3 sao thì bạn chọn cái nào? Theo cái nhìn rất cá nhân, cho phép mình tạm xếp loại phẩm chất các bệnh viện tại Mỹ và tại Canada như thế”.
Bác sĩ Canada lãnh lương như thế nào?
Cô Trang tiếp, tuy y tế Canada theo kiểu XHCN nhưng không phải toàn bộ bác sĩ y tá lãnh lương cố định như công nhân viên chức. Thay vì có hàng trăm hãng bảo hiểm y tế chi trả cho bác sĩ nhà thương như ở Mỹ, chính quyền các tiểu bang ở Canada đóng vai trò medical insurer (nhà bảo hiểm y tế).
Chính quyền quy định các chi phí dịch vụ, khám bệnh bao nhiêu tiền, một lần thử máu bao nhiêu tiền, một ca phẫuthuậtbao nhiêu tiền… và trả cho bác sĩ, bệnh viện thực hiện các dịch vụ đó. Thay vì gởi hóa đơn tính tiền cho các hãng medical insurance (bảo hiểm y tế) như ở Mỹ, bác sĩ và bệnh viện ở Canada gởi bill cho Bộ Y Tế tiểu bang.
Do đó, giữa các bác sĩ vẫn có sự chênh lệch lợi tức, ít bệnh nhân thì lợi tức thấp, nhiều bệnh nhân lợi tức cao.Bệnh viện đông bệnh nhân, khéo quản lý thì thặng dư ngân sách, ngược lại, chính phủ phải bù lỗ, nhưng nếu bệnh viện bị thâm hụt quá, rất có thể sẽ nằm trong danh sách bị đóng cửa nếu có cắt giảm ngân sách”.
Tuy nhiên, bác sĩ ở Canada không kiếm được nhiều tiền như bác sĩ ở Mỹ, vì giá cả dịch vụ do chính phủ ấn định. Theo Viện Thông Tin Y Tế Canada (Canadian Institute for Health Infomation), trung bình bác sĩ gia đình (family doctor) tại Canada có mức thu nhập hằng năm chừng 240 ngàn $CAN, trong khi bác sĩ chuyên môn (specialist) kiếm chừng 340 ngàn, thua xa nếu so với các bác sĩ tại Hoa Kỳ.
Ngành dược tại Canada
Người viết bài này, đã hành nghề dược sĩ tại Québec, Canada, trong 12 năm, và sang Mỹ tiếp tục với nghề này cho đến nay thêm 12 năm nữa. Gần 13 năm sống tại Canada, tôi chưa hề, dù chỉ một lần, cần đến dịch vụ y tế (đi bác sĩ, mua thuốc, chích ngừa, vào bệnh viện, vân vân).
Với nghề dược sĩ, tôi thuộc vào thành phần lợi tức khá, và phải đóng thuế 44%, trong khi tại California thì chỉ đóng 30%. Nếu tính theo mức lương dược sĩ thì 14% chênh lệch thuế tương đương chừng 1.300 Mỹ kim một tháng.
Cứ xem như số tiền này người dược sĩ mang quốc tịch Canada tự mua bảo hiểm y tế cho mình (health insurance), coi như họ mua sự an tâm vì e rằng mai này khi về già đổ bệnh ra thì sẽ có chính phủ đài thọ.
Chắc chắn ai cũng phải nhìn nhận rằng số tiền đóng hằng tháng này (1.300 Mỹ kim) là “vô cùng đắt đỏ” cho một người trong độ tuổi từ 20 đến 35. Đó chính là câu trả lời vì sao tôi cùng hằng ngàn dược sĩ khác đã rời bỏ Canada vào cuối thập niên 1990 để nhập vào Mỹ khi “cơn đói” dược sĩ lên cao nhất tại khắp nước Mỹ.
Theo Bộ Y Tế Canada thì hiện nay tỉ lệ dược sĩ nằm trong lứa tuổi từ 23 đến 45 (lứa tuổi được xem là có xác suất bệnh tật thấp) là 42% và từ 46 đến 65 tuổi là 54%. Và chính nhờ thu số tiền này của những ngườiđi làm đóng thuế hàng năm mà chính phủ có khả năng chi trả cho những bệnh nhân lớn tuổi đang cần đượcđiều trị.
Người dân Canada mua thuốc ra sao?
Khi bị bệnh thì người dân Canada đi gặp bác sĩ miễn phí. Khi được bác sĩ cho toa mua thuốc, nếu thuộc vào thành phần lợi tức thấp thì người bệnh hoặc làkhông phải trả hay trả rất ít.
Nếu là thành phần tự làm chủ (self-employed) sẽ phải móc tiền túi ra trả, còn những người đi làm thuê và trong nơi làm việc có bảo hiểm y tế phụ trội (extended medical insurance plan) , sẽ phải trả 20% tiền thuốc, bảo hiểm trả 80%.
Có thể nói là hầu hết bệnh nhân mua thuốc đều được bảo hiểm bởi chính phủ, nhà thuốc gửi hóa đơn cho chính phủ hàng tháng, và sẽ được trả một số tiền phí phục vụ cố định cho một toa thuốc, nghĩa là cho dù dược sĩ bán một món thuốc X trị giá 10 Mỹ kim hay thuốc Y trị giá 1.000 Mỹ  kim, cũng sẽ được nhận một số tiền lệ phí phục vụ bằng nhau.
Lạm dụng và gian lận
Ông Tim Menke – cố vấn của phòng Tổng Thanh Tra thuộc Bộ Y Tế Xã Hội Hoa Kỳ có cho biết: “Theo ước lượng, các vụ gian lận Medicare tại Mỹ đã gây thiệt hại cho quỹ thuế do công dân đóng góp khoảng 60 tỉ Mỹ kim hàng năm”.
Khi còn làm việc tại bệnh viện và các nhà thuốc tại Montréal trong những năm 1990, người viết cũng đã từng đọc nhiều bài báo về các trường hợp gian lận khi một vài bệnh viện hay dược phòng gửi hóa đơn tính tiền cho chính phủ, nhưng trên thực tế họ không hề thực hiện các dịch vụ như trên giấy tờ.
Nhưng vì đã lâu và không đi sâu vào các con số thống kê, nên không còn nhớ được là vấn đề này gây thiệt hại bao nhiêu cho đất nước Canada, nhưng chắc chắn phải là một con số không nhỏ.
Gian lận thường xuất phát từ hai lý do: thứ nhất là vì không đủ lợi tức (profit) nên con người phải gian lận để duy trì thương vụ của mình mà tồn tại, thứ hai là vì lòng tham.
Nếu gạt bớt lòng ,tham, theo ý kiến cá nhân của người viết, hiện nay các bệnh viện, phòng mạch, nhà thuốc không cần phải gian lận, chỉ vì số lượng người bệnh đã quá đông rồi, không cần thiết phải gian lận mới đủ sống hay có lời.
Tính trung bình hiện nay, các nhà thuốc tây tại miền Nam Cali bán thuốc cho hơn 100 toa một ngày (tiệm nào được chừng hơn 200 thì khá lắm rồi đó), trong khi tại Montréal hiện nay, 400-500 toa là chuyện thường, thậm chí có tiệm đến 800 toa, một điều mà các chủ nhân nhà thuốc tại Mỹ “không dám  mơ tới nổi”. Lý do: Số người già tại Canada đông quá mức nên nhu cầu thuốc men gia tăng mau như diều gặp gió.
Cầm giữ bệnh nhân trong bệnh viện vì mục đích moi tiền chính phủ
Ở Canada, khingười sản phụ sinh con, đa sốbệnh viện đều có khuynh hướng kéo giữ bệnh nhân nằm lại thật nhiều ngày để”theo dõi bệnh tình”, mặc dù người phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh và xin cho về nhà sớm.
Lý do bệnh viện chưa cho về đôi lúc khá buồn cười, như vì bệnh nhân còn “hơi táobón” nên cần ở lại để được điều trị. Thật ra, đó chỉ là cái cớ để bệnh viện tiếp tục gửi hóa đơn cho chính phủ.
Lạm dụng đi khám bệnh
Người bệnh ở Canada động tí là đi bác sĩ, và dù bác sĩ bảo “ông/bà không sao, không bệnh gì nặng, chỉcần về nghỉ ngơi”, bệnh nhân vẫn luôn luôn kỳ kèo bác sĩ cho một toa thuốc “gì đó” mới an tâm.
Chính phủ làm gì cũng hỏng. Ảnh vui internet
Chính phủ làm gì cũng hỏng. Ảnh vui internet
Thế là để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, các bác sĩ thường cho 100 viên Tylenol (thậm chí nhiều bác sĩ đã in sẵn trên toa, chỉ cần ký tên), mua về để cho chật tủ thuốc.  Còn nếu bác sĩ để bệnh nhân ra về “tay không”, rất dễ mất khách, nhất là khách Việt Nam.
Các nhà thuốc tây hầu như nơi nào cũng đếm sẵn trước 100 viên Tylenol, hễ khách vào đưa toa ra thì có ngay lọ thuốc, chỉ cần dán nhãn vô thôi. Tylenol rất rẻ, cứ gửi hóa đơn cho chính phủ lấy tiền lệ phí bán thuốc, hóa ra cả 3 bên đều lợi win win win (bệnh nhân, bác sĩ, dược sĩ).
Nói thì có người không tin, hơn 15 năm trước, chính phủ Canada còn “khá giả” nên trả luôn tiền thuốc vitamin, calcium, thứ gì cũng trả… nên người ta thường giả bộ bệnh, đi bác sĩ xin các loại thuốc này để… gửi về Việt nam làm quà cho thân nhân, bè bạn.
Nói chung, đây là hiện tượng lạm dụng nền y tế công cộng tràn lan tại Canada.
Nạn “chảy máu chất xám” – Y tế cào bằng Canada giúp toàn dân nhưng không giữ chân tài năng trẻ.
Anh V. John Bình, kỹ sư điện toán đang làm việc tại miền Bắc California, kể lại, tôi rời Toronto năm 1998 để sang San Jose làm việc khi cơn sốt computer lên đỉnh điểm ở cả hai nước. Tại xứ sở Canada, nơi mà rất nhiều người ca ngợi là thiên đường y tế, và thậm chí từ vài năm nay toàn nước Mỹ đang ồn ào tranh luận, và hằng triệu người Hoa Kỳ đang tự vẽ ra một viễn cảnh an nhàn kiểu như tôi làm việc tàng tàng, đóng thuế chút chút, thậm chí không cần làm, nhưng hễ bệnh tật thì đã có chính phủ lo.
Nếu chỉ suy nghĩ thô thiển như thế thì Canada đâu có tình trạng chảy máu chất xám nhức nhối từ gần 15 năm nay. Giới trẻ (với nhu cầu y tế thấp nhất) và giới trí thức (thành phần đóng thuế cao nhất) đều cảm thấy bất bình khi họ phải đóng  thuế quá cao, làm bao nhiêu đều phải nộpcho chính phủ để mà nuôi những ai không làm việc được, dù vì lý do bệnh tật hay thất nghiệp. Tuy rằng ai già cũng sẽ đến lúc đó, nhưng tuổi trẻ không nghĩ như vậy.
Đòi hỏi sự công bằng…
Anh Bình nhận xét: “Với họ, đó không phải là sự công bằng. Mỉa mai nhất cho chính phủ Canada là khi các tầng lớp trí thức (còn được gọi là tầng lớp chất xám như bác sĩ, dược sĩ, y tá, nha sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư…, được đào tạo hầu như miễn phí(hay với tiền học phí rất thấp so với M), thì khi vừa tốt nghiệp đi làm việc vài năm là họ nhận ra ngay sự bất công này. Thế là đất nước Canada với nền y tế tuyệt vời không còn cầm giữ nổi chân họ nữa.
Và đó chính là nguyên nhân gây ra nạn chảy máu chất xám, giới trẻ và thành phần trí thức ồ ạt bỏ Canada sang Hoa Kỳ làm việc đã khiến chính phủ Canada nhức đầu và bất lực.
Và tôi nằm trong số đó. Tôi rời Toronto năm 28 tuổi, khi hầu hết các bạn bè đều rời đất nước lá
phong để tìm đến xứ sở cờ hoa – quốc gia biểu tượng cho sự công bằng. Tôi siêng năng thì tôi giàu, còn anh làm biếng thì anh nghèo, anh khổ.
Với tôi, Hoa Kỳ làđất nước của những người siêng năng và thành công, không phải là quốc gia của những ai chờ người khác đóng thuế nuôi mình và hưởng y tế miễn phí”. – (TV)
Kỳ 2 sẽ đăng tiếp.
Tác giả: Thanh Võ – VienDongDaily.Com – 11/07/2012
Nguồn: Hiệu Minh Blog

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

NHẮN CON GÁI

Con cái sinh ra bởi Mẹ Cha và như vậy, con cái là một phần máu thịt của Cha Mẹ. Ai cũng xót xa cho máu thịt của chính mình nhất, nên con cái cần biết rằng chỉ có Mẹ Cha là những người thực lòng sẵn sàng sống chết vì con hơn tất cả các mối quan hệ khác. Hãy lắng nghe Cha Mẹ và tìm ở đó nếu không là điều khôn ngoan thì cũng là niềm an ủi.
Anh chị em ruột thịt là một phần máu thịt của mình nên con hãy trân trọng anh chị em của con như trân trọng gìn giữ một phần thân thể của mình. Con hãy đừng để một phần chi thể tách rời khỏi thân thể vì khi một chi thể mất đi, thân thể của con sẽ là một thân thể “tàn tật”.
Vợ chồng được tác thành bởi Chúa, mọi yếu tố khác là chỉ thừa tác cùng Người. Kinh Thánh đã dạy: “Cái gì Chúa đã tác thành loài người không thể phân ly” nhưng trên thế gian không chỉ có Chúa và con người mà còn có Ma quỷ. Vậy nên chuyện phân ly là không thể tránh khỏi khi Ma quỷ tấn công vào mối quan hệ vợ chồng cũng như các mói quan hệ khác. Nếu không may, Ma quỷ tấn công vào gia đình của con, con hãy nhớ cầu nguyện và tĩnh tâm vì dù sao con vẫn có Mẹ Cha Anh Chị em của con và con vẫn còn là một con người không bị “tàn tật”. Việc xây dựng lại một mối quan hệ vợ chồng cũng giống như việc xây dựng lại một ngôi nhà, con sẽ phải trả một cái giá nào đó, cái giá đó đắt hay không do chính sự khôn ngoan hay dại dột của con.
Con đừng trách ai khi việc đó xảy ra vì con người có số phận và vì bất kỳ một mối quan hệ nào đó tan vỡ con cũng có “góp tay” vào đó một nửa. Con cũng đừng quá dằn vặt vì những sai lầm bởi không ai trên đời tránh được sai lầm. Tất cả chúng ta sinh ra cũng có thể từ một quyết định sai lầm. Trí tuệ con người giới hạn và ngay cả kẻ thông thái nhất cũng không dám tự hào là không mắc sai lầm trên bước đường đời. Hãy tự tha thứ cho mình trước những sai lầm nhưng hãy biết cách không dẫm chân vào những sai lầm đã khiến con bị tổn thương.
Con cũng đừng trách Trời vì biết đâu Chúa Trời muốn cho con một ngôi nhà khác khang trang hơn khi con xứng đáng nhận được điều đó.
Mọi mối quan hệ ở đời không có gì vĩnh viễn cả. Cha Mẹ rồi cũng chết đi không ở mãi cũng con cái. Anh em con cũng phải lo lắng cho chính họ, gia đình của họ. Vợ chồng cũng có thể chia tay vì biết bao lý do ở đời. Khi hiểu rõ điều vô thường đó con sẽ thấy nhẹ lòng hơn trước mọi sự đổi thay. Nếu con có con cái, con hãy nghĩ nhiều và phấn đấu để chúng có thể nhận được những gì tốt nhất có thể từ gia đình. Đó không chỉ là đạo lý mà còn là sự đầu tư, khi bỏ ra nhiều công sức vụ mùa sẽ bội thu, khi lười biếng làm sao con có thể thu hoạch được lúa tốt mà chỉ có thể gặt về cỏ dại mà thôi.

Hạnh phúc không phải là mục đích cuộc sống như người ta lầm tưởng mà hạnh phúc ở đời chỉ là một chuỗi ngắn hay dài ta có trên đường đời đi tới sự toàn thiện tâm hồn.
Ai cũng làm việc để tạo ra của cải nhưng của cải không làm ra hạnh phúc, của cải chỉ là phương tiện để ta đi tiếp nên con hãy cố gắng để có phương tiện tốt mà đừng coi của cải là đích đến. Hãy để của cải của con sinh nở hoa trái làm đẹp cuộc sống của con và mọi người và như người ta đã nói “Mất của cải là không mất gì”. Nhưng con nên hiểu thực tế hơn, Mất của cải là mất ít, mất sức khỏe là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả. Hãy để mọi người quanh con tin con vì khi mất niềm tin, con người ta đã chết ngay khi còn đang sống. Kẻ chỉ biết đến của cải, tôn thờ nó và bất chấp mọi giá để giữ của cho mình thì kẻ đó khác gì kẻ đã chết.

Con hãy làm việc hết lòng vì mọi người, làm tất cả sức mình cho hạnh phúc của mọi người bởi lương tâm của con thúc giục chứ không phải bởi sự thúc giục của mọi người khác.
Cuối cùng con hãy vui vẻ vì khi có niềm tin ở Chúa, không bao giờ Chúa bỏ con. Mặt trời sẽ không bao giờ tắt trừ khi con cố tình nhắm mắt để không nhìn thấy ánh sáng của Mặt trời.

10/7/2014

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

ĐẢNG CHÍNH PHỦ NÊN KIỆN ĐẾ QUỐC MỸ

Vài ý kiến quanh việc Thượng viện Mỹ ra Nghị quyết đòi Trung quốc ngừng việc xâm lấn biển Đông và rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt nam.

Quốc hội ta chưa có ý kiến ý cò gì vậy mà Lưỡng viện Mỹ đã biểu quyết thông qua Quyết nghị đòi Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam rồi. Đảng chính phủ phải lên án chúng đã ngang nhiên can thiệp vào Công việc Nội bộ của nước ta đi chứ.

(Facebook https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1549590898602111&id=100006536475017)

Trung Ương họp giữa những ngày nóng bức. Về vấn đề Thượng viện Hoa kỳ ra Nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Có đồng chí phát biểu phải lên án Mỹ vì thái độ trịch thượng nước lớn áp đặt lên công việc của nước khác. Nhưng lúc này ta chưa cần kiện Mỹ mà phải tranh thủ. Nhưng phải làm thế nào cho Nhân Dân thấy được sự lãnh đạo tài tình rất sáng suốt của Đảng chính phủ. Ta không Cần lên tiếng mà dụng binh bên ngoài, để đế Quốc Mỹ vào cuộc là chủ trương hết sức Linh hoạt khéo léo của chúng ta.
Mình được việc mà không làm mất lòng Bạn.

(https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1549781438583057&id=100006536475017)

CÔ ĐỘC
Nhân việc một số trang báo viết “ Việt nam rất cô độc trong cuộc xung đột ở Biển Đông” muốn bàn thêm chút về hai chữ CÔ ĐỘC. 
Nghĩa Hán-Việt của chữ “cô” là đứa trẻ không có cha hoặc mẹ, ( âm Việt hóa cổ là “côi” ). “độc” là người đàn ông già không có con. Do đó “cô độc” diễn tả kẻ không có nơi dựa dẫm.
Tuy nhiên dùng chữ “cô độc” coi Việt nam như đứa trẻ không cha không mẹ, cầu bơ cầu bất bị bỏ rơi thì thật là thê thảm quá.
(
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1549796615248206&id=100006536475017)

HOÀNG SA-VIỆT NAM NỖI ĐAU MẤT MÁT

Lần đầu tiên, ngày 11/7/2014, sau hơn 2 tháng Trung quốc đem giàn khoan HY981 vào vùng biển Việt nam, bộ phim Hoàng sa-Việt nam nỗi đau mất mát được phép chiếu ở hội trường Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật, quỹ Phan Châu Trinh 53 Nguyễn Du Hà nội. Tác giả bộ phim ông Menras André Ho Cuong Quyet tham dự và giao lưu cùng một số nhân sỹ trí thức và những người quan tâm vấn đề biển đảo.




Một bộ phim gây xúc động nhiều cho người xem



Hội trường chiếu phim



Bên ANTV đến tác nghiệp. Nhưng có đưa lên TV hay không có lẽ phải chờ bên Tuyên giáo



Nhiều gương mặt nhân sỹ trí thức trong đó có ông Nguyễn Thanh Giang, nhà giáo Phạm Toàn, Ts Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện...



Nhà quay phim vừa lạ vừa quen



Một góc Hội trường



Tác giả bộ phim Ông Menras Ho Cuong Quyet.

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

MÂM CƠM CÚNG KHÔNG CÓ XÔI

Hôm đó là chiều 30 Canh Thân chờ bước qua Tân Dậu, thời mà vua chúa cũng chưa giầu như giờ. 
Bố từ trên nhà xuống bếp lấy đĩa xôi bày mâm cúng, thoáng cái lại quay lên dở đứng dở ngồi làm Mẹ chờ lâu gắt “Mau lên ông, có đĩa xôi mà cứ lóng ngóng mãi”. 

Bố như người có lỗi, thì thầm vào tai Mẹ câu gì đó rồi thấy Mẹ ngẩn ra một lát. 
Mẹ “mắng”:  "Ông thật là….đoảng quá, có thế mà cứ lúng túng chân nọ đá chân kia như gà phải nhợ”.

Rồi thì Mẹ tự xuống bếp đơm một đĩa xôi thật đầy không phải đem lên mâm cúng mà mang sang biếu hai vợ chồng ông bà già cô quả đằng sau vườn nhà. 

Mãi sau này Bố kể lại cho tôi nghe chuyện thì ra khi xuống bếp bắt gặp bà hàng xóm đang loay hoay cắt trộm khoanh giò trong bếp nhà nên Bố cuống lên….trốn.


Bố ngại Mẹ và nghĩ bà sẽ làm ầm chuyện nhưng biết đâu bà ghê gớm với đám quan chứ đâu có ghê ghớm gì với bà con chòm xóm.


Hôm nay sắp 100 ngày Mẹ bỗng nhớ lại chuyện buồn ngày xưa.


Mai Xuân Dũng

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

THÔNG BÁO KẾT THÚC ĐẤU GIÁ




THÔNG BÁO KẾT THÚC ĐẤU GIÁ GIÚP Thuy Nga VƯỢT QUA THƯƠNG TẬT DO BỊ CÔN ĐỒ MẬT VỤ TẤN CÔNG.

Thưa Quý Anh Em bạn hữu FB và BLOG. Ngày 27/5 tôi đã đăng thông báo đấu giá chai rượu RÉMY MARTIN của tôi với giá 3000.000Vnđ nhằm góp một phần giúp THUY NGA trả tiền Viện phí trị thương đồng thời thu hút sự chú ý của công luận trước việc một phụ nữ tranh đấu cho quyền con người đã bị đàn áp tàn bạo. 


Tuy thời hạn Kết thúc đấu giá là ngày 5/6 nhưng cho đến nay chưa có nhà hảo tâm nào trả giá cao hơn mức của bạn FB có nick Nguyen Quoc An là 5.000.000Vnđ (Năm triệu). Tôi cho rằng cuộc đấu giá này cũng đã đem lại những cảm xúc khó quên cho nhiều người cũng như đã hoàn tất sứ mạng nhỏ bé của nó trong việc đánh động lương tâm con người trong xã hội nhiều bất trắc mà chúng ta đang sống.

Qua mạng FB tôi xin được thông báo quyết định này để bạn Nguyen Quoc An có thể chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của cô THUY NGA (đã niêm yết) và cho tôi biết địa chỉ cũng như những thông tin liên quan để chai rượu nói trên được chuyển đến với bạn.

VÀI LỜI NÓI THÊM:
Tôi xin được nói lời cảm ơn chân thành tới các bạn Washington Appletham gia đấu giá và đã trả tới $200, anh Nguyễn Hồng Kiên đã trả 3.500.000Vnđ cũng như nhiều Quý anh em tuy không tham gia đấu giá nhưng đã bằng cách này cách khác chuyển tiền giúp đỡ THUY NGA với tấm lòng nhân ái, hảo tâm rất đáng ngưỡng mộ. 

Kính.
2/6/2014
Mai Xuân Dũng

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

THÔNG BÁO ĐẤU GIÁ GIÚP ĐỠ CÔ THÚY NGA


THÔNG BÁO ĐẤU GIÁ




Như cộng đồng mạng FB đã biết, cô Thuy Nga, người phụ nữ tích cực tham gia tranh đấu cho Quyền con người và Biểu tình chống Trung quốc đã phải nhập Bệnh viện Việt-Pháp chiều hôm qua do bị 5 kẻ “lạ mặt” phục kích đánh đập dã man: gẫy chân, tay, vỡ xương bánh chè, chấn thương rất nặng nề và sẽ phải tốn phí rất nhiều cho việc chữa trị.
Tôi có chai rượu XO. REMY MARTIN dung tích 0.70L (có hóa đơn xuất xứ) vốn đã hứa với chị Tân và cháu Nguyễn Trí Dũng con trai anh Nguyễn Văn Hải ( Blogger Điếu Cày) sẽ dành dịp vào Sài gòn uống mừng khi anh ấy được trả tự do nhưng thấy việc đó là có cơ hội chờ đợi được, trong khi việc trợ giúp cô Thuy Nga là việc cấp bách nên quyết định ĐẤU GIÁ chai rượu đó, tiền thu được sẽ chuyển thẳng vào tài khoản của cô ấy.
Tôi hiểu, người sẽ mua chai rượu này không chỉ mua nó cho cá nhân mà để giúp Thuy Nga vượt qua đau đớn.
Chai rượu này giá gốc theo hóa đơn là $130.99. Quy ra tiền Việt là: 3.088.000Vnd.
Giá đặt khởi điểm là: 3.000.000Vnd.
Thời gian mở đấu giá: 27/5/2014.
Thời gian kết thúc đấu giá: 05/6/2014

Kính báo
Blogger: Mai Xuân Dũng

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

TRUNG QUỐC LÀ GÌ CỦA VIÊT NAM?

Trung Quốc là gì của Việt Nam?
 Giáp Văn Dương

Từ xưa đến nay, quan hệ Việt-Trung luôn phức tạp. Để có chiến lược ứng xử thích hợp, đã đến lúc phải thẳng thắn trả lời câu hỏi: Trung Quốc là gì của Việt Nam?
Định vị lại Trung Quốc

Khi xem xét chiến lược ứng xử với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng, với Việt Nam, Trung Quốc đồng thời là: người thầy vĩ đại, người bạn thân thiết và đối thủ nguy hiểm.

Nhìn vào lịch sử quan hệ và những ảnh hưởng qua lại giữa hai nước, thì thấy rằng Trung Quốc đã từng đóng tất cả các vai ấy trong mối quan hệ thăng trầm với Việt Nam.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, nếu coi đây là xuất phát điểm cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc thì cần phải xem xét lại.

Nếu coi Trung Quốc là người thầy vĩ đại, thì sẽ có xu hướng bắt chước thầy, chịu sự chỉ dẫn của thầy với tư cách học trò. Khi xảy ra tranh chấp, điều đã từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử, thì trò khó lòng có thể thắng được thầy.

Còn nếu coi Trung Quốc vừa là người bạn thân thiết, vừa là đối thủ nguy hiểm thì lại tự mâu thuẫn nhau. Đã là bạn thì không thể là kẻ thù, vì cơ sở của tình bạn là sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Còn đã coi nhau là kẻ thù thì không thể là bạn.

Nếu coi Trung Quốc vừa là thầy, vừa là bạn, vừa là đối thủ của Việt Nam, tất yếu dẫn đến những lúng túng và yếu thế trong chiến lược ứng xử với Trung Quốc. Nói cách khác là gây ra bối rối ngay từ khâu lên kế hoạch, nên thua thiệt là điều khó tránh khỏi.

Một nhận định khác cũng thường được nói đến nhiều: Trung Quốc và Việt Nam là anh em "môi hở răng lạnh". Việc tự coi mình là em đã đặt Việt Nam vào thế bất lợi toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc, tất yếu sẽ rất đến những thua thiệt trong ngoại giao, trao đổi văn hóa, thương mại, thậm chí cả trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước, v.v.

Vậy Trung Quốc là gì của Việt Nam?

Đối tác bình đẳng

Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết rằng:
"Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập.
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương."

Qua đó có thể thấy, Nguyễn Trãi không coi Trung Quốc là thầy, bạn, hay kẻ thù hoặc kết hợp của cả ba thứ này. Nguyễn Trãi cũng không coi Trung Quốc là anh em với Việt Nam. Ông chủ trương Trung Quốc là một đối tác độc lập, bình đẳng trong quan hệ với Việt Nam về mọi mặt.

Đây là chiến lược sáng suốt của Nguyễn Trãi, dù ra đời đã gần 600 năm. Chủ trương này vẫn còn là kim chỉ nam cho chiến lược ứng xử với Trung Quốc ngày nay, không chỉ trong quan hệ ngoại giao, mà còn cả trong trao đổi văn hóa, thương mại, v.v.

Trong ngoại giao, việc xác định Trung Quốc là đối tác bình đẳng sẽ giúp định ra các chính sách và thái độ đối ngoại đúng đắn, góp phần củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đất nước, nhất là khi tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những diễn biến phức tạp.

Trong văn hóa, việc coi Trung Quốc là đối tác chứ không phải là người thầy, bạn bè, đối thủ hay bậc đàn anh sẽ giúp Việt Nam giữ được bản sắc văn hóa của mình trong khi vẫn sàng lọc được những điều hay cần học hỏi.

Trong mậu dịch, Việt Nam đang yếu thế so với Trung Quốc: cán cân thương mại Trung Quốc-Việt Nam đang có những mất cân đối nghiêm trọng. Nhập siêu từ Trung Quốc đang ở mức đáng lo ngại và tăng liên tục: ước tính khoảng 11 tỷ USD năm 2008, so với 200 triệu USD năm 2001. Cơ cấu mậu dịch cho thấy Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm thô, ước tính khoảng 80% tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi nhập về chủ yếu hàng công nghiệp. Do đó cần phải có chiến lược điều chỉnh thích hợp, phấn đấu đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại ngang hàng với Việt Nam.

Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện từ xuất phát điểm: coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng, chứ không phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em của Việt Nam.

Việc coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng còn giúp Việt Nam tận dụng được sức mạnh của hệ thống pháp lý và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì một lẽ đơn giản, tất cả các nước đều bình đẳng trước các cam kết và hệ thống pháp lý quốc tế. Và cộng đồng thế giới ủng hộ sự bình đẳng này.

Do đó, Việt Nam cần phải nương vào nguyên tắc bình đẳng và sự hỗ trợ này để vươn lên vị trí bình đẳng toàn diện trong quan hệ với Trung Quốc.

Bước vào thập kỉ mới - thập kỉ bản lề ẩn chứa nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển của Việt Nam, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc - câu hỏi Trung Quốc là gì của Việt Nam cần phải được trả lời dứt khoát: Trung Quốc là đối tác bình đẳng với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, chứ không phải là thầy-bạn-đối thủ hay anh-em như nhiều người đã và đang nghĩ.
---
Bài đăng trên Tuần Việt Nam, đã bị rút sau đó.